In bài này
Khám phá côn đảo
Goladi

[09/08/2016]

Côn Đảo là một quần đảo thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, cách Vũng Tàu 97 hải lý (180km). Đến với quần đảo xinh đẹp này, bạn không chỉ có cơ hội tắm biển thỏa thích trên những bãi biển hoang sơ, thưởng thức hải sản tươi sống mà còn có thể tham gia vào những hoạt động du lịch sinh thái thú vị khác.


Khám phá côn đảo

Đa số du khách đến với Côn Đảo đều nhận xét rằng đây là hòn đảo đẹp, bí ẩn và an toàn nhất mà họ biết. Trong đó, điều khiến họ ngạc nhiên và ấn tượng mạnh nhất là độ an toàn của Côn Đảo, dường như ở đây không hề có khái niệm về trộm cắp hay mất cắp gì cả. Nếu bạn thuê xe máy để du lịch vòng quanh Côn Đảo, bạn sẽ được nghe một câu nói rất kỳ lạ “Hết ngày thuê thì cứ để cả xe cả khóa trước của khách sạn nhé, sẽ có người đến lấy sau”. Và đến sáng hôm sau, bạn vẫn sẽ thấy cả xe cả khóa còn nguyên tại chỗ (nếu chưa có người lấy), và bạn có thể tiếp tục sử dụng chiếc xe đó sau khi thông báo với người cho thuê một tiếng. Chỉ riêng với điều này thôi cũng đủ để biết khi đến với Côn Đảo bạn sẽ được sống những giây phút thanh thản, bình yên và an toàn nhất. Một vài chia sẻ về kinh nghiệm du lịch, phượt Côn Đảo dưới đây sẽ giúp bạn có một chuyến đi hoàn hảo hơn.

Thời gian thích hợp du lịch côn đảo:

Từ tháng 3 đến tháng 9: Là mùa mưa ở Côn Đảo, nhưng đó chỉ là những cơn mưa bóng mây, kéo dài khoảng 30 phút đến 1 tiếng là tạnh. Hơn nữa sau cơn mưa, cảnh sắc Côn Đảo sẽ trở nên tươi mát hơn, sạch sẽ hơn, những tia nắng cũng dịu nhẹ hơn. Đặc biệt, vào mùa này biển Côn Đảo cũng lặng sóng, êm đềm  và mang một màu sắc thanh mát, thoải mái hơn mùa khô rất nhiều. Khoảng thời gian này rất thích hợp để bạn đi du lịch Côn Đảo

Từ tháng 10 đến tháng 2: Là thời gian biển động, cho nên chi phí các loại dịch vụ rất đắt đỏ. Hơn nữa, vào khoảng thời gian này bạn sẽ không thể tắm biển được, nhưng bù lại bạn có thể thăm quan những di tích lịch sử nổi tiếng, thắp hương cho các vị anh hùng dân tộc hoặc khám phá rừng nguyên sinh…Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, nếu bạn muốn du lịch Côn Đảo vào khoảng thời gian này thì hãy suy nghĩ và chuẩn bị thật kỹ càng cả về vật chất lẫn tinh thần nhé.
 

Từ sân bay Cỏ Ống về trung tâm thị trấn Côn Đảo là khoảng 12km. Do đó, bạn có thể đi taxi hoặc xe máy (nếu mang theo xe máy khi đi tàu). Còn nếu bạn đã đặt phòng khách sạn thì khi đến nơi hãy gọi điện cho khách sạn đó để họ điều xe ra đón bạn.
Theo kinh nghiệm du lịch, phượt Côn Đảo giá rẻ của chúng tôi, thì bạn nên chọn xe máy là phương tiện di chuyển trên đảo, bởi nó không chỉ rẻ hơn taxi mà còn giúp bạn chủ động lựa chọn điểm du lịch mà bạn muốn.


Thăm bảo tàng

Đến với Côn Đảo, hãy dành chút thời gian đi thăm bảo tàng Côn Đảo, nơi bạn có thể khám phá thêm về lịch sử, hệ sinh thái biển, nhà tù và Côn Đảo ngày nay. Những thông tin cơ bản nhưng rất thú vị này sẽ bổ sung kiến thức cho bạn về nơi mình đang đi.
Được khởi công xây dựng từ tháng 12/2009, bảo tàng Côn Đảo với tổng kinh phí trên 62 tỷ đồng, là công trình đầy ý nghĩa và là nơi gìn giữ các giá trị lịch sử, minh chứng cho thời kỳ bi tráng nhưng cũng rất đỗi hào hùng của dân tộc.
Với gần 2.000 tư liệu, các hiện vật được trưng bày theo 4 chủ đề lớn gồm phản ánh các tội ác của chế độ thực dân và đế quốc; về tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của các chiến sỹ cách mạng và những người yêu nước Việt Nam trong suốt 113 năm; về sự phát triển của Côn Đảo ngày nay cũng như việc phát huy giá trị khu di tích lịch sử Côn Đảo như một di sản của dân tộc, giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân Việt Nam.
 

Thăm nhà tù Côn Đảo

Một trong những địa điểm không thể bỏ qua là hệ thống nhà tù Côn Đảo. Bạn sẽ được biết thêm về “địa ngục trần gian” một thời, tận mắt chứng kiến điều kiện sống và sự đàn áp của chế độ thực dân lên những các chiến sĩ cách mạng. Đến với hệ thống nhà tù Côn Đảo, bạn sẽ không khỏi rùng rợn trước sự tàn ác của đế quốc, cảm phục tinh thần của người dân Việt Nam trong khoảng thời gian chiến tranh khó khăn.

Viếng nghĩa trang Hàng Dương
Mộ liệt sĩ Võ Thị Sáu tại nghĩa trang Hàng Dương là điểm không thể bỏ qua. Bạn có thể đi lễ vào 12h đêm mà không hề lo lắng vì nghĩa trang rất tấp nập. Đồ lễ và hoa quả nên chuẩn bị sẵn từ nhà, bởi nghĩa trang không có hàng phục vụ bán đồ lễ. Đồ lễ không thể thiếu là gương lược. Nếu mang được hoa tươi thì càng tốt, nên dùng hoa trắng. Cô Sáu được dân Côn Đảo coi như vị thánh, che chở, hóa giải những buồn đau. Các đôi uyên ương cưới cũng ra mộ, thắp hương cô Sáu xin phù hộ.

Khách thường để lại đồ lễ tại nghĩa trang, không mang về. Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể để một nhánh tỏi trong túi cho yên tâm. Nghĩa trang rất sạch sẽ và thanh bình. Đừng quên thắp hương tại đài tưởng niệm 1912 liệt sĩ nằm tại nghĩa trang Hàng Dương và thắp thật nhiều hương cho gần 2.000 mộ liệt sĩ tại đây.

 

Đền thời Bà Phi Yến
Đền thờ Bà Phi Yến hay còn gọi là An Sơn Miếu cũng là nơi nên đến lễ và thăm viếng. Bà là vợ của vua Nguyễn Ánh. Khi nhà vua định mời Pháp vào để chống lại quân Tây Sơn, bà đã có lời can ngăn: “không nên cõng rắn cắn gà nhà”, nhà vua tức giận giam bà trên một hòn đảo hoang vắng, nay gọi là Hòn Bà. Khi quân Tây Sơn gần ra tới đảo, nhà vua đem bầu đoàn thê tử chạy trốn. Trong lúc chạy loạn, hoàng tử Cải khóc nhớ mẹ, nhà vua tức giận liền vứt con xuống biển. Xác hoàng tử dạt vào bờ biển, người dân chôn cất và lập đền thờ. Bà Phi Yến sau khi được cứu thoát, được người dân dựng nhà ngay cạnh mộ để chăm nom hoàng tử. Sau đó, trong một lần đi lễ hội làng, vì nhan sắc quá lộng lẫy, bà bị một kẻ xông vào định hãm hiếp, nhưng hắn mới chỉ chạm vào tay, đã bị bà hô hoán, người dân bắt lại. Bà chặt đứt cánh tay ô uế bị kẻ xấu chạm vào. Sau uất ức quá, bà tự tử để vẹn toàn trinh tiết ở tuổi 25.


Lặn biển ngắm san hô

Đây là một hoạt động không thể bỏ qua khi du khách đến nơi đây. Bạn có thể thuê thuyền ra hòn Bảy Cạnh, rồi nhảy xuống làn nước mát và từ từ bơi ra chỗ ngắm san hô. San hô ở đây đa số không có màu sắc rực rỡ, do sự biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển ấm lên gây ra hiện tượng tẩy trắng san hô. Tuy nhiên bạn sẽ thực sự được hòa mình vào thế giới dưới nước với muôn vàn loài cá đủ sắc màu tung tăng bơi lội.

Bãi Đầm Trầu: Theo kinh nghiệm du lịch, phượt Côn Đảo tự túc của chúng tôi thì đây là bãi tắm đẹp nhất ở Côn Đảo.

Bãi An Hải: Cách trung tâm chỉ 10 phút đi bộ, được bao quanh bởi núi nên biển rất êm dịu, phẳng lặng, sóng nhỏ, nước trong xanh và khá ấm.

Bãi Đất Dốc: Được tạo nên bởi các hẻm núi ăn sâu vào bờ biển. Bãi tắm khá nhỏ và yên tĩnh, thích hợp cho các cặp đôi hoặc người thích những bãi tắm yên tĩnh.
 

Xem rùa đẻ trứng

Hòn Bảy Cạnh: Hòn đảo lớn thứ hai trong số 16 hòn đảo thuộc quần đảo Côn Đảo. Toàn bộ đảo được che phủ bởi rừng nhiệt đới nguyên sinh và đặc biệt, tại đây bạn có thể tham gia lặn biển ngắm san hô cực thú vị

Vịnh Đầm Tre: Được bao bọc bởi những cánh rừng ngập mặn, tại Đầm Tre, du khách không chỉ được đi thuyền khám phá những khu rừng này mà còn được xem yến làm tổ và lặn biển ngắm san hô.
Từ hòn Bảy Cạnh, bạn có thể tiếp tục đi đến hòn Cau để thăm rừng ngập mặn ngoài biển. Ngay tại hòn Cau, khu bảo tồn rùa được thành lập từ năm 1995 cũng là một địa điểm thú vị không nên bỏ qua. Bạn có thể nghỉ đêm tại đây để có cơ hội tham gia vào hoạt động đem trứng rùa vừa nở ra tận bờ biển.

Mùa rùa đẻ trứng là từ tháng 3 đến tháng 10, và có từ 3.000 đến 5.000 trứng rùa nở mỗi đêm. Tuy nhiên khu vực biển này lại bị cấm, chỉ kiểm lâm mới được xuống, vì sự xuất hiện của con người có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt của loài vật này. 

Leo núi

Côn Đảo không chỉ có biển mà còn có núi bao xung quanh. Bạn có thể leo núi Sở Rẫy để khám phá sự đa dạng của các loài thực vật trong khu vực rừng nguyên sinh này. Trên cung đường trekking khoảng một tiếng rưỡi từ chân núi lên đến đỉnh, du khách có thể còn gặp loài khỉ hoang dã. Vì đã quen với sự xuất hiện của con người, khỉ ở đây rất tự nhiên và không hề sợ sệt trước sự xuất hiện của người lạ.

Sau khi tận hưởng cảnh đẹp hùng vĩ ở đỉnh núi, trên đường về du khách nên tiếp tục trekking hai tiếng xuống biển Ông Đụng, hay quay lại điểm xuất phát để đi xe máy đến biển. Tại bãi Ông Đụng, hãy tiếp tục thỏa sức vẫy vùng trong làn nước trong xanh mát rượi.
Rừng nguyên sinh Ông Đụng: Là nơi cư ngụ của gần 300 loại động thực vật đặc trưng từ Bắc và Nam cùng nhiều loại sản vật quý hiếm như yến, đồi mồi, vích, hải sâm….

Chùa Núi Một

Chùa Núi Một (Vân Sơn Tự) tọa lạc trên Núi Một được xây dựng vào năm 1964. Trải qua thời gian đã bị xuống cấp, chùa đã được khởi công tôn tạo ngày 13/8/2010, khánh thành vào ngày 4/12/2011. Do nằm trên núi nên chùa có tầm nhìn bao quát xuống biển, nhìn xuống toàn cảnh thị trấn Côn Đảo và vịnh Côn Sơn, hồ An Hải.

Bãi Đầm Trầu

Được xem là bãi biển đẹp nhất Côn Đảo, bãi Đầm Trầu cách sân bay Cỏ Ống 12 km về phía Tây Bắc. Từ trung tâm thị trấn Côn Đảo, nếu đi xe máy hay ô tô bạn sẽ mất khoảng 30 phút là đến bãi Đầm Trầu. Nơi đây nổi tiếng với bờ cát trắng xốp mịn trải dài, rừng nguyên sinh với cây cối xanh tươi và những vách đá cheo leo với tạo hình độc đáo. Đến bãi Đầm Trầu, du khách có thể thoải mái tắm biển, thưởng ngoạn cảnh đẹp hay lặn ngắm san hô.

Bãi Ông Đụng

Bãi Ông Đụng là một bãi tắm đẹp và lý tưởng nằm trong Vườn quốc gia Côn Đảo cách trung tâm chừng 4 km về phía Tây. Từ trung tâm vườn bạn sẽ đi bộ khoảng một giờ trên đường mòn xuyên qua khu rừng sẽ đến Bãi Ông Đụng nhưng bù lại khi đến nơi bạn sẽ cảm thấy mọi mệt mỏi điều biến mất, thay thế vào đó là cảm giác phấn khích khi nhìn những đàn cá bơi lội tung tăng bên cạnh bãi biển, san hô đầy màu sắc như vui mừng chào đón bạn hòa mình vào làn nước trong xanh như ngọc tại đây.

Hòn Bảy Cạnh

Hòn Bảy Cạnh nằm ở phía Đông Côn Đảo, có diện tích 683ha, gồm hai phần đảo nối liền với nhau bằng doi cát ở giữa gọi là Bãi Cát Lớn. Đây cũng là 1 trong 14 bãi đẻ trứng của rùa biển Côn Đảo và là bãi biển có số lượng rùa lên đẻ trứng nhiều nhất ở Côn Đảo. Trong mùa sinh sản (từ tháng 4 – 9 hàng năm), đêm ít nhất 1 – 2 cá thể, đêm nhiều có từ 20 – 30 cá thể rùa mẹ lên bãi làm tổ và đẻ trứng.

Hòn Bà

Hòn Bà là hòn đảo lớn thứ 3 trong số 16 hòn đảo nhỏ to khác nhau thuộc quần đảo Côn Đảo. Đến với Hòn Bà, du khách có thể dễ dàng tìm thấy những bãi biển tuyệt đẹp, hệ sinh thái rừng và rừng ngập mặn đa dạng với nhiều chủng loại động, thực vật quý hiếm.

Khi đến đây, bạn có thể đi bộ xuyên rừng khoảng 20 phút về phía Tây sẽ đến được bãi Đầm Quốc khám phá rừng ngập mặn nguyên sinh, tắm biển, lặn ngắm san hô và sinh vật biển; hoặc du khách có thể leo núi chinh phục Đỉnh Tình Yêu. Vào mùa mưa, sau khi tắm biển, du khách còn có thể thỏa thích tắm suối trong mát ngay bìa rừng gần bãi biển.

Hòn Tài

Hòn Tài nằm về phía Đông Nam đảo Côn Sơn, có diện tích 34ha thu hút du khách với cảnh quan thiên nhiên đẹp, lý tưởng để nghỉ dưỡng, ngắm cảnh, khám phá thiên nhiên trên đảo. Hòn Tài có 2 bãi cát nhỏ, trắng mịn hàng năm đến mùa sinh sản có hàng trăm cá thể rùa mẹ lên bãi làm tổ và đẻ trứng và có hàng ngàn lượt rùa con được trở về với đại dương (từ tháng 4 – 9 hàng năm). Đặc biệt, đến đây bạn còn có cơ hội nhìn thấy sóc mun – loại sóc đặc hữu chỉ có ở Côn Đảo, tắc kè, kỳ đà, khỉ mặt đỏ… và nhiều loài chim biển khác.

Hòn Cau

Nơi này khá nổi tiếng bởi trước đây là một làng cổ thời vua Gia Long với tên “Xóm Bà Thiết”. Hòn Cau là một trong hai đảo thuộc quần đảo Côn Sơn có nguồn nước ngầm. Phía trước Hòn Cau có bãi cát trắng trải dài dọc theo dãy núi hình cánh cung, xen lẫn hàng dừa và cây phong ba sừng sững chắn gió xanh bất tận. Đến đây bạn có thể ghé thăm di tích lịch sử giam giữ Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng; tham quan rừng dừa, vườn cây ăn trái, tìm hiểu công tác bảo tồn thiên nhiên, bơi lội ngắm san hô… là những trải nghiệm đầy thú vị khó quên.

Ăn gì

Ẩm thực của Côn Đảo là sự đa dạng và phong phú của muôn vàn loại hải sản. Hãy yên tâm tận hưởng sự tươi ngon và hương vị đậm đà của hải sản nơi đây, được đánh bắt ngay ngoài biển nên giá cả của các nhà hàng sẽ tương đương nhau.

Ngoài những loại đã quen thuộc với mọi người, bạn nên thử những hải sản đặc biệt ở Côn Đảo như ốc vú nàng, cua mặt trăng hay tôm hùm đỏ.

Một đặc sản khác của Côn Đảo là hạt bàng, được chế biến dưới nhiều dạng khác nhau như rang muối hay tẩm đường và gừng.

choi-dau-an-gi-cho-nguoi-lan-dau-ra-con-dao-2

Hãy thuê tàu, thuyền đi khám phá các đảo nhỏ xung quanh.

Đi thế nào

Hàng không

Hiện chỉ có Vietnam Airlines kết hợp với Vasco thực hiện đường bay Côn Đảo. Bạn có thể bay thẳng từ TP HCM hoặc Cần Thơ. Nếu từ Hà Nội, bạn phải transit ở một trong hai nơi kể trên. Trong đó, từ TP HCM ngày nào cũng có 4-5 chuyến bay, khách được đem tối đa 20 kg hành lý ký gửi và 7 kg hàng lý xách tay miễn phí. Thời gian bay khoảng 55 phút.

Tàu biển

Ngoài máy bay, khách còn có một phương tiện tiết kiệm hơn, đó là đi tàu khách từ cảng Cát Lở (Vũng Tàu) ra cảng bến Đầm (Côn Đảo) và ngược lại. Tàu chuyên chở hành khách và hàng hóa gọn nhẹ, ngoài ra còn có thể chở được xe máy.

- Tàu Côn Đảo 09 có sức chứa khoảng 238 giường, là những phòng tập thể với khoảng 30 giường/phòng.
- Tàu Côn Đảo 10 có sức chứa 140 giường. Mỗi phòng có từ 6 giường đến 10 giường.

Tuy nhiên có một điểm cần lưu ý khi bạn quyết định chọn phương tiện này, đó là khả năng bị say sóng khi di chuyển. Vào mùa biển lặng (từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm) thì việc đi tàu ra Côn Đảo là một trải nghiệm thú vị; tuy nhiên từ tháng 9 cho đến tháng 3 thì việc đi tàu sẽ là một cực hình, nhất là đối với những khách bị say tàu xe.

Tàu xuất phát lúc 17h và khoảng 7h sáng hôm sau đến cảng Bến Đầm - Côn Đảo và ngược lại. Trên tàu có căng tin nhỏ phục vụ các loại thức uống đóng chai, lon. Thức ăn chủ yếu là mì tôm và trứng gà luộc. Từ cảng bến Đầm đi vào trung tâm thị trấn Côn Sơn khoảng 12 km.

Giá vé: 350.000 đồng một lượt (khởi hành tại Vũng Tàu) và 450.000 đồng một lượt khởi hành tại bến Bạch Đằng, TP HCM.

Chú ý

Côn Đảo có rất nhiều muỗi và con bù mắt nên bạn cần mang theo thuốc chống muỗi và dầu gió.


Copyright 2016 - 2024 - Goladi.vn - Thuộc PMV Group, Công Viên Phần Mềm Quang Trung, Quận 12, HCM, Việt Nam.