Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn được biết đến với nhiều kỷ lục châu Á và Đây là ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam.Việt Nam được xác lập như chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, chùa có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á...
Sau khi ghé thăm Động Am Tiên, bạn tiếp tục hành trình đi thẳng tiến đến chùa Bái Đính. Hơn 1000 năm về trước, tại Ninh Bình đã có ba triều đại Vua nối tiếp nhau ra đời: nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý. Ba triều đại phong kiến này đều rất quan tâm đến đạo Phật và coi đạo Phật là Quốc giáo cho nên tại đây có rất nhiều chùa cổ, trong đó có chùa Bái Đính, trên dãy núi Tràng An.
Chùa Bái Đính nằm uy nghi trên ngọn núi Bái Đính với khuôn viên rộng 539 ha bao gồm 27 ha khu chùa Bái Đính cổ, 80ha khu chùa Bái Đính mới.
Là 1 trung tâm phật giáo lớn của Việt Nam chùa Bái Đính cho đến nay sở hữu nhiều kỷ lục như:
· Tượng phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á: Tượng đồng 100 tấn ở trong điện Pháp Chủ.
· Tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á: Tượng Phật Di Lạc 100 tấn ngoài trời.
· Chuông đồng lớn nhất Việt Nam: Đại hồng chung năng 36 tấn trong Tháp Chuông.
· Khu chùa rộng nhất Việt Nam: tổng 539ha
· Khu chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á: hành lang La Hán dài gần 3km.
· Khu chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam: 500 vị bằng lá xanh cao khoảng 2m
· Khu chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam.
· Khu chùa có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam: 100 cây bồ đề được chiết từ cây bồ đề Ấn Độ
Đặt chân đến Bái Đính, bạn có thể chiêm ngưỡng ngay trước mắt Tam Quan hoành tráng cao gần 17 mét. Đây chính là ranh giới giữa cõi thiêng và cõi tục. Chỉ cần bước chân qua Tam Quan, bạn đã hòa mình vào không gian tâm linh thanh tịnh của vùng địa linh kỳ vĩ.
Và bạn tiếp tục hành trình dọc theo hành lang La Hán dài thăm thẳm để viếng thăm những kỳ quan với nhiều kỷ lục trên. Hành trình đi bộ thật mỏi giò nhưng mỗi chặng dừng chân, mỗi điểm tham quan đi qua đều cảm nhận được sự đồ sộ, tinh tế, huyền ảo của một không gian thiêng liêng rộng lớn.
Một địa điểm luôn thu hút khá đông khách du lịch khi đến thăm chùa Bái Đính là Bảo Tháp. Tòa Tháp có 13 tầng, đây được coi là ngôi Bảo tháp cao nhất Đông Nam Á, nơi bảo tồn xá lợi Phật, cung nghinh từ Ấn Độ và Miến Điện. Khi đứng tại tầng cao nhất của Bảo Tháp, phóng tầm mắt nhìn ra xa, bạn có thể quan sát được toàn cảnh chùa Bái Đính đẹp tựa như một bức tranh sơn thủy hữu tình, hài hòa thanh tịnh làm nao động lòng người.
Sau khi tham quan hết khu chùa mới là chiều đã chập choạng tối, nhìn bảng đồ chỉ dẫn là phải đi bộ thêm tầm 1km mới tới khu Bái Đính Cổ. Đã lỡ leo tới đây rồi thì cứ thẳng tiến quất luôn ^^
Gần 1000 năm đã trôi qua, ngôi chùa cổ Bái Đính vẫn còn đó như một minh chứng cho sức sống bền bỉ của đạo Phật trong đời sống tâm linh của người Việt. Bái Đính cổ tự không có những mái chùa cong vút mái đao hay mũi hài, càng không có những trụ cột to lớn, đồ sộ hay thượng điện nguy nga lộng lẫy. Chùa được tạo dựng theo lối kiến trúc chùa động khá phổ biến ở Ninh Bình. Khu chùa này quay hướng chính tây, nằm gần trên đỉnh của một vùng rừng núi khá yên tĩnh, gồm có một nhà tiền đường ở giữa, rẽ sang bên phải là hang sáng thờ Phật, rồi đến đền thờ thần Cao Sơn ở sát cuối cửa sau của hang sáng; rẽ sang bên trái là đền thờ thánh Nguyễn rồi đến động tối thờ mẫu và tiên. Nơi đây nằm ở vùng đất hội tụ đầy đủ yếu tố nhân kiệt theo quan niệm dân gian Việt Nam, đó là đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần.
Là những lữ khách cuối cùng khi rời chân khỏi chùa. Trời tối hẳn nhưng nhờ thế được chiêm ngưỡng thêm khung cảnh lung linh huyền bí của quần thể chùa chiền Bái Đính khi lên đèn sáng rực rỡ giữa núi đồi vắng lặng. Một cảm giác hồi hộp khi lọt thõm giữa vùng đồi núi địa linh vào ban đêm nhưng cũng đầy háo hức vì mấy khi đi xuyên rừng, xuyên núi giữa đêm như vậy.
Bích Hạnh