Bộ Công an đang lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 47) trước khi báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sắp tới.
Cuối năm 2013, Thủ tướng đã ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, theo đó miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Phú Quốc với thời gian tạm trú không quá 30 ngày. Cơ chế này đã áp dụng được 5 năm nhưng đến nay chưa được luật hóa.
Bộ Công an cho rằng cần bổ sung quy định này vào luật sửa đổi Luật số 47 để tiếp tục áp dụng miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Phú Quốc.
Một vấn đề khác cũng được Bộ Công an đề cập tới khi sửa đổi Luật số 47 là tình trạng người nước ngoài lợi dụng quy định - người nước ngoài có giấy chứng nhận đầu tư góp vốn cho doanh nghiệp thì được cấp thị thực, thẻ tạm trú có thời hạn không quá 5 năm tại Việt Nam.
Thời gian qua, nhiều người nước ngoài, doanh nghiệp đã lợi dụng quy định này của Luật số 47 để đề nghị cấp thị thực, thẻ tạm trú để hợp thức hóa việc sống lâu dài tại Việt Nam.
Bộ Công an cho biết có trường hợp người nước ngoài chỉ góp vốn đầu tư 10 triệu đồng vào doanh nghiệp để mở hàng ăn, bán phở, tiệm cắt tóc để được cấp thẻ tạm trú 5 năm tại Việt Nam. Do vậy, cơ quan này cho rằng cần sửa đổi quy định về cấp thị thực, thẻ tạm trú cho nhà đầu tư nước ngoài để tránh bị lợi dụng.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng xin ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện dự thảo luật sửa đổi Luật số 47 về các quy định miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển, quy định cấp chứng nhận tạm trú, việc cấp thẻ tạm trú cho các nhà đầu tư lớn nước ngoài vào Việt Nam không quá 10 năm.
Theo báo cáo của Tổng Cục du lịch, từ đầu năm đến nay, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đón hơn 2,2 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch, đạt 52,7% kế hoạch, tăng 35,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khách quốc tế gần 400.000 lượt khách, đạt hơn 67% kế hoạch, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Miễn thị thực là việc một quốc giá cho phép công dân của một quốc gia khác nhập cảnh và lưu trú trong một khoảng thời gian nhất định mà không phải làm các thủ tục cũng như đóng các khoản lệ phí liên quan đến việc xuất nhập cảnh.
Hiện tại Việt Nam miễn visa thị thực cho công dân một số nước với các hình thức chủ yếu như sau:
- Miễn visa thị thực theo hiệp định song phương (Có đi có lại): Bao gồm miễn thị thực cho các quốc gia Asian theo đó Việt Nam miễn Visa thị thực cho các công dân đến từ các quốc gia Đông Nam Á (Asian) và các quốc gia này cũng miễn thị thực visa cho công dân Việt Nam khi nhập cảnh các quốc gia này. Thời hạn miễn thị thực song phương không quá 30 ngày.
- Miễn thị thực đơn phương (Chỉ đơn phương phía Việt Nam miễn thị thực Visa): Hiện tại Việt Nam miễn thị thực cho công dân của 13 quốc gia bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Nga, Belarus, Đức, Pháp, Anh, Italy và Tây Ban Nha. Thời hạn của miễn thị thực đơn phương này không quá 15 ngày.
- Miễn thị thực 5 năm: Là hình thức miễn thị thực dài nhất mà Chính phủ Việt Nam ưu tiên giành cho những người nước ngoài có nguồn gốc Việt Nam hoặc có quan hệ hôn nhân, huyết thống với công dân Việt Nam không phân biệt quốc gia. Người được hưởng hình thức miễn thị thực này mỗi lần nhập cảnh vào Việt Nam được miễn Visa 90 ngày trong thời hạn 5 năm. Hết thời hạn miễn thị thực người nước ngoài có quyền xin cấp mới Giấy miễn thị thực.