Cách trung tâm Tp. HCM khoảng 50km, Khu du lịch Sinh thái Vàm Sát - Cần Giờ như một ốc đảo xanh tươi với những thảm rừng đước bạt ngàn. Chính vì thế, trong thời gian gần đây Khu du lịch Sinh thái Vàm Sát - Cần Giờ được nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến, đặc biệt là những “tay phượt trẻ”. Nơi đây ngoài tài nguyên rừng và hệ động vật rừng ngập mặn rất phong phú, đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2000, còn có tài nguyên lịch sử - văn hóa và các làng nghề truyền thống lâu đời và đa dạng.
Cách đến Vàm Sát - Cần Giờ:
Xuất phát từ khu vực gần trung tâm thành phố, chạy theo đường Nguyễn Tất Thành, đi thẳng khoảng 13km đến phà Bình Khánh. Qua phà và tiếp tục đi thẳng theo con đường Rừng Sác mang đậm chất hoang sơ hướng đến Cần Giờ. Sau khoảng 15km là đến ngã ba Lý Nhơn quẹo phải. Tiếp tục vào sâu khoảng 20km, qua tiếp cầu Vàm Sát. Mất gần 30 phút mới tới được Cần Giờ.
Vị trí : Xã Lý Nhơn huyện Cần Giờ, TP.HCM
Đặc điểm: Nằm giữa dòng chảy của hai con sông Vàm Sát, Lòng Tàu, Khu Du Lịch Sinh Thái Rừng Ngập Mặn Vàm Sát mang trong mình những khoảng rừng đẹp nhất của khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ, thuộc huyện Cần Giờ, TP.HCM...
Những điểm lí thú tại không thể bỏ lỡ:
Rừng ngập mặn Vàm sát
Khu du lịch sinh thái Cần Giờ có diện tích 714km2, trong đó có tới 1/2 diện tích là rừng ngập mặn. Sau 30 năm phục hồi và phát triển, hệ thực vật rừng tự nhiên đã lên tới 12.000ha bao gồm các loài cây Chà là, Ráng, Mắm,… sinh trưởng trên vùng đất ít ngập nước, cộng với 20.000ha rừng trồng, trở thành “lá phổi xanh” của thành phố trong việc điều hòa khí hậu và phòng hộ; đồng thời mở ra những triển vọng to lớn về du lịch sinh thái Cần Giờ.
Sân chim Vàm Sát:
Nhờ có vùng đệm tương đối rộng nên có khả năng là khu dự trữ cho sự phát triển các bầy chim trong tương lai. Hướng về phía bắc của sân chim là khu rừng tự nhiên rộng 199 ha và các đầm nuôi tôm. Sân chim Vàm Sát có 26 loài, trong đó có 11 loài chim nước (gồm 9 loài tự nhiên và 2 loài nuôi). Cò và Vạc thường làm tổ trên cây Chà Là và Dà, trong đó Chà Là là cây có gai nên được chim nhọn làm tổ nhiều hơn để giữ tổ chim chặt không bị rơi và các lòai như rắn, khỉ không thể trèo lên lấy trứng hay bắt chim non. Chim thường đẻ vào mùa mưa từ tháng 5-10, mỗi lần đẻ từ 1-3 trứng/tổ. Chim non sống trong tổ cho đến khi được chim mẹ tập bay. Nguồn thức ăn nơi đây rất dễ tìm và phong phú nhờ hệ thống sông ngòi chằng chịt và các đầm nuôi tôm xung quanh.
Đầm Dơi
Là một khoảng rừng đước rậm rạp, yên tĩnh. Nơi đây có hàng trăm con dơi quạ với sải cánh dài từ 1-1,5m trú ngụ. Khu vực xung quanh Đầm Dơi ít người sinh sống nhằm đảm bảo sự an toàn cho chúng. Tại đây quý khách sẽ thấy hàng ngàn con theo bầy sống tư nhiên nơi khu rừng đước giữa đầm như bán đảo, vào tham quan bằng xuồng tam bản, len lỏi vào khu rừng đước để tận mắt chứng kiến những con dơi quạ bay với sãi cánh rộng cả thước sống tự nhiên.
Loài dơi này ban ngày ngủ trên những cây đước cao và ban đêm bay đi kiếm ăn, chúng có thể bay xa liền một mạch 60 dặm (khoảng km) để kiếm ăn. Đến với đầm dơi này, chúng ta sẽ nghe và thấy sự ồn ào náo nhiệt của chúng.
Leo Tháp Tang bồng:
Để tưởng nhớ đến các chiến sĩ đặc công rừng Sác đã làm nhiệm vụ tại đây, sinh thái Vàm Sát đã dựng lên một ngọn tháp cao 28 mét đặt tên Tang Bồng, hình cánh cung – biểu tượng cho sức mạnh và ý chí của tuổi trẻ các thế hệ cha anh trong chiến tranh. Khi lên đỉnh tháp. Khách tham quan sẽ chiêm ngưỡng được toàn cảnh vẻ đẹp quyến rũ của rừng ngập mặn Cần Giờ.
Khi đến đây ngoài được trải nghiệm tham quan Vàm Sát, Đầm Dơi bạn còn được tắm biển và thưởng thức hải sản ngay tại chợ Hàng Dương.