Trong những năm gần đây, khi đến Đà Lạt khách du lịch thường nhắc đến địa danh Thung Lũng Vàng với nhiều thiện cảm. Họ tìm đến Thung Lũng Vàng như tìm đến thảm cỏ xanh rờn, mặt hồ mênh mông, rừng thông thơ mộng, không khí trong lành và mát mẻ, tìm đến để cảm nhận, tìm đến để hòa mình vào những nét thiên nhiên đặc trưng của Đà Lạt.
Cách thành phố Đà Lạt khoảng 15 km theo hướng Tây Bắc, nằm e ấp bên hồ Đankia - Suối Vàng, khu du lịch sinh thái Thung Lũng Vàng với bạt ngàn thông xanh, hoa cỏ và đá bonsai mới được đưa vào khai thác đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Khu du lịch nằm dưới tán rừng thông ba lá, cây cao từ 5 – 15 mét. Thực bì gồm cỏ tranh, cỏ gừng, cỏ ba lá, cây bụi, ngũ gia bì, ràng ràng , trinh nữ. Địa hình đồi núi uốn nếp, bề mặt có dạng lượn sóng, sườn dốc từ 15% đến 30%. Độ cao trung bình so với mực nước biển từ 1400 đến 1500 Mét. Nhiệt độ trung bình từ 19 đến 28oC. Nằm trong khu vực ôn đới gió mùa, trong năm phân làm hai mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 04 đến tháng 10 – chiếm 80- 90% tổng lượng mưa trong năm. Lượng mưa cao nhất tập trung vào tháng 7, tháng 8 và tháng 9, mùa khô từ tháng 11 đến cuối tháng 03 năm sau. Độ ẩm không khí trong mùa mưa là 80%, trong mùa khô là dưới 80%.
TLV có vị trí địa lý thuận lợi, khí hậu ôn hòa, nằm trên địa bàn thành phố du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước cho nên tiềm năng phát triển du lịch tham quan, hội nghị, học tập, nghỉ dưỡng, chữa bệnh… là rất lớn.
Từ khi đi vào hoạt động kinh doanh đến nay, Khu DL Thung Lũng vàng đã gây được nhiều thiện cảm trong lòng du khách, khẳng định được thương hiệu, góp phần vào sự đa dạng phong phú cho ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng, tạo thêm sức hấp dẫn du khách đến Đà Lạt, hoàn thành nghĩa vụ thu nộp ngân sách, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà.
“Nơi đây yên bình, thơ mộng và thanh khiết quá. Thanh khiết vô cùng!”, cô sinh viên mỹ thuật người Nhật Sato Kohara vừa loay hoay với chiếc máy ảnh trước những cành hoa dại lơ thơ cạnh vạt cỏ xanh mướt trên những sườn đồi thoai thoải vừa nói với tôi. “Lần sau đến Việt Nam, em sẽ trở lại nơi đây cùng vài người bạn”.
Khu du lịch Thung Lũng Vàng mới đi vào hoạt động đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến đây. Nhiều du khách từ TP.HCM cảm thấy lưu luyến khi phải lên xe trở về trung tâm thành phố Đà Lạt sau gần một buổi thơ thẩn ở Thung Lũng Vàng và thầm trách: “Sao lâu nay không thấy các hãng du lịch giới thiệu!”.
Nằm cạnh nhà máy nước Dankia - Suối Vàng, Thung Lũng Vàng với diện tích khoảng 20ha gồm những đồi thông thoai thoải, trước đây là vùng sâu vùng xa của Đà Lạt. Đó là chốn ở của khoảng 30 cán bộ, công nhân Công ty Cấp nước Lâm Đồng. Kỹ sư Trần Đình Lãnh, Giám đốc Công ty và là “kiến trúc sư trưởng” của Khu du lịch Thung Lũng Vàng ban đầu chỉ muốn tận dụng một khu đất trống để tạo những tiểu cảnh cho số công nhân làm việc ở đây thư giãn những lúc rảnh rỗi. Nhưng rồi theo thời gian và với sự chung tay của những cán bộ nhân viên trong đơn vị, công viên thu nhỏ này trở thành khu vườn sinh thái và bây giờ là khu du lịch rộng lớn với những bộ sưu tập thực vật và đá để tạo nên một điểm đến khá độc đáo ở giữa rừng thông bạt ngàn.
Không riêng gì dân địa phương, các cặp cô dâu chú rể từ TP. HCM giờ đây cũng chọn Thung Lũng Vàng làm điểm chụp ảnh ngoại cảnh.
Những ai đã từng biết Đồi Cù sẽ ngạc nhiên hơn khi đến Thung Lũng Vàng, bởi nơi đây không những hội đủ những nét đặc trưng của Đồi Cù xưa, mà còn có nhiều cảnh quan thơ mộng và hấp dẫn khác. Xen lẫn giữa rừng thông bạt ngàn là những loài cây đặc hữu Đà Lạt như mimosa, mai anh đào, thông 5 lá… cùng hàng cây phong có nguồn gốc từ Canada và một số cây cổ thụ có tuổi từ 80 - 100 năm. Cạnh những khu vườn cây là vườn đá được sắp xếp theo một ý tưởng độc đáo mang ý nghĩa “giao hoà và thân thiện” với nhiều loại đá hiếm sưu tầm từ nhiều nơi trên Tây Nguyên.
So với nhiều khu du lịch hiện có ở Đà Lạt, Thung Lũng Vàng không có dáng vẻ hoành tráng, nhưng tạo được dấu ấn trong lòng du khách khi ứng dụng nghệ thuật sắp đặt trong thiết kế và tận dụng những tiểu cảnh dựa trên cơ sở triết lý Đông phương khiến cho cảnh quan chung của cả khu vực trông tựa một bức tranh sơn thuỷ.
Sau khi lang thang một vòng để ngắm nhìn các vườn cây, bãi đá, vườn bonsai hay các thác nước nhân tạo, nhiều du khách ngả lưng trên những thảm cỏ êm mượt bên những sườn đồi thoai thoải để vừa nghe thông reo vi vu, vừa ngửi mùi thơm quyến rũ từ những tán thông già mặc cho thời gian trôi. Bên dưới những đồi thông là những vạt rừng bằng phẳng và khá rộng để du khách có thể tổ chức sinh hoạt dã ngoại dưới tán lá rừng hoặc câu cá bên những hồ nước nhân tạo với những kiểu dáng mới lạ…