Côn Đảo là một quần đảo ở ngoài khơi bờ biển Nam Bộ (Việt Nam) và cũng là huyện trực thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Côn Đảo hay Côn Sơn cũng hay dùng cho tên của hòn đảo lớn nhất trong quần đảo này, cách Vũng Tàu 97 hải lý và cách thành phố Hồ Chí Minh 120 hải lý. Côn Đảo gồm có 16 hòn đảo lớn nhỏ, với diện tích 76 km2. Trong đó đảo lớn nhất là đảo Côn Sơn, có diện tích 51 km2. Dân số khoảng 6.000 người (tính đến cuối năm 2010).
Nhìn trên bản đồ, Côn Đảo giống như một chú gấu vươn mình ra biển Đông, nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp, nước biển trong xanh và bờ cát dài… được che mát bởi những hàng cây Bàng cổ thụ. Côn Đảo còn là vườn Quốc gia với rừng nguyên sinh và thảm động thực vật phong phú và đa dạng với nhiều loài cá đủ màu bơi tung tăng bên những rạn san hô nhiều tầng và đầy màu sắc. Rừng có nhiều chủng loại phong lan, động vật rừng có sóc đen, sóc đỏ dạ, chim gầm gì… Đặc biệt Côn Đảo là một trong những nơi duy nhất tại Việt Nam về bảo tồn bò biển (Dugong), cá heo, các loại rùa biển (Vích)...
Đến với Côn Đảo để tìm về nơi thiêng liêng, hãy thắp nén nhang nghĩa tình trong nghĩa trang Hàng Dương. Bảo tàng Côn Đảo là nơi lưu giữ hiện vật, hình ảnh lịch sử của đảo, nào là chuồng cọp, chuồng bò, cầu Ma Thiên Lãnh...
Đến Côn Đảo là tìm đến thiên nhiên hoang sơ, chiêm ngưởng khu rừng nguyên sinh Ông Đụng, Sở Rẩy. Câu cá tại hòn Bông Lan, câu mực ở mủi tàu Bể, lặn snorkelling, diving tại hòn Tre, xem rùa đẻ vào ban đêm tại hòn Bảy Cạnh...
Thị trấn Côn Đảo nằm trên một thung lũng hình bán nguyệt ở tọa độ 106°36′10″ kinh độ đông và 8°40′57″ vĩ độ bắc. Thung lũng có chiều dài từ 8 đến 10 km, chiều rộng từ 2 đến 3 km và có cao độ trung bình khoảng 3 m so với mặt nước biển. Một mặt trông ra vịnh Đông Nam trong khi ba mặt còn lại vây quanh là núi. Thị trấn Côn Đảo nằm ở khoảng giữa của sân bay Cỏ Ống và cảng Bến Đầm (khoảng cách ước chừng là 12 km). Thị trấn là nơi tập trung toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của quần đảo.
Môi trường sống ở Côn Đảo rất trong lành, nhiệt độ bình quân khoảng 26 – 27độC mát mẻ quanh năm. Tất cả những điều kể trên là tiềm năng du lịch của Côn Đảo với các loại hình phong phú như: Du lịch tắm biển nghỉ ngơi, du lịch tham quan di tích lịch sử, du lịch sinh thái (lặn, câu cá, leo núi, tham quan rừng biển, sinh vật biển...). Hàng năm Côn Đảo đón hàng trăm nghìn lượt khách đến du lịch. Đến với Côn Đảo, du khách được nghỉ ngơi tại những cơ sở lưu trú đầy đủ tiện nghi như: khách sạn Phi Yến, Sài Gòn Tourist, nhà khách vườn Quốc gia Côn Đảo.
Ngoài du lịch, Côn Đảo còn là trung tâm ngư trường khai thác hải sản của Tỉnh và phía Nam. Trung ương và tỉnh đã tiến hành đầu tư cảng cá Bến Đầm dài 336m cho tàu 2.000 tấn cập bến. Riêng huyện cũng có đội tàu khá lớn, hàng năm đánh bắt khoảng 10.000 tấn hải sản các loại.
Côn Đảo chỉ cách đường hàng hải Quốc tế (trục Bắc – Nam) có 60km. Từ Côn Đảo, tàu thuyền ngược lên phía Bắc Á như Nga, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Hải Nam, Thẩm Quyến, Hồng Kông. Nếu xuôi xuống Nam là đến các nước Đông Nam Á như: Singapore, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Thailand. Trong tương lai kênh đào KRA ở Thailand được mở nối liền giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương mở ra trục Đông – Tây thì Côn Đảo sẽ nằm ở ngã tư giao thông biển quốc tế.
Những năm gần đây, cuộc sông và sinh hoạt của ngời dân ở Côn Đảo có phần khởi sắc. Đường sá, sân bay, bến cảng đang đợc trùng tu. Ngư trường Côn Đảo sôi động hẳn bởi các dịch vụ hậu cần nghề cá Tàu các tỉnh có lúc cặp vào Côn Đảo tử 5000 đến 6000 chiếc. Du khách trong và ngoài nước đến côn Đảo ngày càng nhiều. Hiện tại, ngoài hai tuyến bay từ Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và Vũng Tàu, Côn Đảo còn có 5 chiếc tàu lớn loại 100 giường nằm và 3 tàu chở hàng từ 50 đến 250 tấn. Đến Côn Đảo, ngoài giờ làm việc nghỉ ngơi, du khách có thể dạo quanh quần đảo, chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú mà thiên nhiên đã ban tặng riêng cho nơi này và có thể tìm đợc rất nhiều thông tin của quá khứ chứa đựng trong mỗi di vật trên hòn đảo còn nhiều bí ẩn này.