Cầu tàu được khởi công xây dựng từ năm 1873, nằm trước dinh thự Chúa Đảo, công trình này kéo dài hàng chục năm, sửa chữa và mở rộng nhiều lần mới có dạng như ngày hôm nay. Sở dĩ có tên gọi “Cầu tàu 914” là vì thực dân Pháp bắt tù nhân đi khai thác đá từ chân núi Chúa đưa về để xây dựng cầu tàu và xây cả kè đá chắn sóng phía trước.
Từ khâu khai thác đá đến vận chuyển và xây dựng đều do sức lao động của người tù. Những tảng đá lớn hàng thước khối, nặng nhiều tấn dã làm kiệt quệ và đè nát bao nhiêu thân tù, không mang được sẽ chết vì đòn roi, mang được sẽ chết vì kiệt sức. Công việc xây cầu kéo dài cho đến khoảng năm 1930 mới tạm xong và con 914 đã được người tù nghi nhớ. Họ nhẩm tính từ 1 người ngã xuống, 2 người ngã xuống…đến con số 914 ngã xuống. Con số này chỉ mang tính ước lệ để tưởng nhớ số người đã chết trong lúc khổ sai xây dựng cầu.
Chuyện của các cựu tù kể rằng: Một tảng đá to 4 người khiêng không nổi kêu xin thêm người thì bị cai ngục đánh bỏ bớt 1 người, còn 3 người khiêng không được thì bỏ bớt 1 người nữa….2 người còn lại tất nhiên phải chịu nằm dưới tảng đá khổng lồ ấy.
Trãi qua 113 năm, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã lần lượt đày hàng chục vạn tù nhân ra Côn Đảo. Khi bước chân lên Cầu tàu 914, người tù phải chịu một trận đòn phủ đầu của những tên cai ngục, trật tự cầm dùi cui, gậy gộc gõ lên đầu để điểm danh kèm với những lời hăm dọa và lăng nhục.
Cầu tàu lịch sử 914 đã từng chứng kiến niềm hân hoan của hơn 2000 tù chính trị Côn Đảo được giải phóng vào tháng 9/1945. Ba mươi năm sau Cầu tàu lại rợp bóng cờ bay, đón hơn 4000 tù chính trị giải phóng lần lượt trở về đất liền vào tháng 5/1975.